Hình thành Chuỗi_núi_ngầm_Hawaii-Emperor

Minh hoạ cho điểm nóng ở Hawaii

Năm 1963, nhà địa chất học người Canada là John Tuzo Wilson đề xuất ý tưởng về điểm nóng để giải thích cho sự hình thành chuỗi Hawaii-Emperor. Ông cho rằng nhiệt lượng từ điểm nóng cố định nằm sâu bên dưới mảng Thái Bình Dương đã nung chảy một phần đá nằm ngay phía dưới mảng Thái Bình Dương thành những đám mácma mà sau đó sẽ phun trào khỏi đáy đại dương và tạo nên núi lửa.[15] Cứ như thế, các núi lửa mới hình thành khi mảng Thái Bình Dương dịch chuyển liên tục phía trên điểm nóng và tạo thành một vệt dài mà người ta gọi là chuỗi núi ngầm Hawaii-Emperor.[15] Các núi lửa sẽ ngừng hoạt động một khi đã rời khỏi điểm nóng để dịch chuyển theo mảng kiến tạo về phía bắc và dần xói mòn dưới tác động của các yếu tố khác, ví dụ như khi thạch quyển bên dưới nguội và co lại.[16] Theo thời gian các rạn san hô vòng sẽ hình thành tại đó, để rồi cuối cùng các đảo này chìm hẳn và trở thành các núi ngầm.[8] Cũng căn cứ vào giả thuyết về điểm nóng cố định thì sự hình thành khúc uốn hình chữ L giữa sống núi Hawaii và chuỗi núi ngầm Emperor có thể được giải thích từ sự đổi hướng dịch chuyển của mảng kiến tạo khoảng 43 triệu năm về trước.[15]

Tuy lý thuyết về điểm nóng cố định được rất nhiều nhà địa chất chấp nhận rộng rãi (Best, 2009)[16]nhưng một số nghiên cứu đưa ra bằng chứng về sự dịch chuyển của điểm nóng ở Hawaii. Các quan sát cổ từ tính chỉ ra rằng điểm nóng đã dịch chuyển nhanh về phía nam khi chuỗi Emperor hình thành và có thể đã gần như cố định kể từ lúc đó (Sharp & Clague, 2006).[17] Mức độ dịch chuyển có thể vào khoảng 5 độ vĩ tuyến (Vandamme & Courtillot, 1990).[18] Tarduno & ctg (2003) cũng viện dẫn các dữ liệu để kết luận rằng sự lệch phương của chuỗi Emperor so với sống núi Hawaii là do chùm manti của điểm nóng Hawaii dịch chuyển nhanh (cỡ 40 mm/năm) trong giai đoạn Creta muộn đến Đệ tam sớm (81-47 triệu năm về trước).[19] Như vậy, sự thay đổi lớn về hướng dịch chuyển của mảng Thái Bình Dương có thể không phải là lời giải thích cho sự hình thành của khúc uốn hình chữ L giữa chuỗi núi ngầm Emperor và sống núi Hawaii như người ta từng nghĩ.[20]